Cổ phiếu bị hủy niêm yết khi nào? Nhà đầu tư cần làm gì trong trường hợp này
Khi tham gia đầu tư, không ai muốn cổ phiếu mình giữ bị hủy bỏ trên thị trường chứng khoán. Vậy cổ phiếu bị hủy niêm yết khi nào? Nhà đầu tư cần phải làm gì trong trường hợp này? Mời các bạn cùng Sharebox tìm hiểu để có hướng xử lý tốt nhất nhé.
Nội dung
Cổ phiếu bị huỷ niêm yết như thế nào?
Cổ phiếu bị hủy niêm yết là việc loại bỏ mã chứng khoán đã được niêm yết ra khỏi sàn giao dịch. Có thể hiểu rằng hủy niêm yết chứng khoán là chấm dứt hoạt động của một mã tại một sở giao dịch chứng khoán.
Sau thời gian hoạt động nếu cổ phiếu không đáp ứng được các điều kiện, yêu cầu của sàn giao dịch, thì mã chứng khoán đó sẽ bị hủy niêm yết. Hoạt động hủy niêm yết chứng khoán diễn ra khá phổ biến và liên tục, được rà soát theo định kỳ.
Ví dụ: Năm 2020, cổ phiếu ATG của Công ty An Trường An bị hủy niêm yết trên sàn HSX (HOSE). Nguyên nhân do công ty đã kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp.
Nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu bị huỷ niêm yết
Theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chứng khoán 2019 khá nhiều trường hợp bị hủy niêm yết chứng khoán như sau:
Trường hợp bắt buộc huỷ niêm yết
Khi xuất hiện những dấu hiệu sau thì rất có thể cổ phiếu của công ty sắp bị hủy bắt buộc:
- Công ty không đáp ứng được điều kiện niêm yết chứng khoán Việt Nam.
- Công ty thua lỗ 03 năm liên tiếp, tổng số lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính gần nhất.
- Hoạt động kinh doanh chính bị ngừng từ 01 năm trở lên.
- Công ty bị thu hồi giấy phép hoạt động/giấy đăng ký kinh doanh.
- Và một số các quy định khác.
Trường hợp tự nguyện huỷ niêm yết
Cổ phiếu hủy niêm yết tự nguyện khi:
- Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thua lỗ nhiều năm liên tiếp, vốn hóa thị trường giảm trầm trọng.
- Quyết định của Đại hội đồng cổ đông, trên 50% số phiếu biểu quyết (không phải là cổ đông lớn) chấp thuận hủy bỏ niêm yết.
- Không được đề nghị hủy bỏ niêm yết trong 02 năm kể từ ngày cổ phiếu niêm yết lần đầu.
Cổ phiếu bị hủy niêm yết thì sẽ ra sao?
Đối với cổ phiếu hủy niêm yết chuyển sàn
Có 02 trường hợp xảy ra đó là Hủy niêm yết chuyển sang sàn lớn hơn hoặc hủy niêm yết và chuyển sang sàn nhỏ hơn. Trường hợp cổ phiếu bạn đang nắm giữ được niêm yết tại sàn lớn hơn thì đồng nghĩa với việc uy tín, hoạt động kinh doanh đã tốt hơn nhiều. Vì vậy giá cổ phiếu thường tăng sau khi niêm yết mới. Ngược lại khi chuyển sang sàn nhỏ hơn sẽ tạo tâm lý cho nhà đầu tư, vì thế tại sàn này thanh khoản sẽ rất ít.
Tuy nhiên, những doanh nghiệp này đã bộc lộ yếu kém, kinh doanh sa sút, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản. Kết quả là thanh khoản suy giảm trầm trọng. Chỉ có một số ít cổ phiếu có triển vọng phục hồi mới có thể tiếp tục giao dịch.
Đối với cổ phiếu hủy niêm yết không chuyển sàn
Cổ phiếu hủy niêm yết không chuyển sàn nghĩa là các cổ phiếu này sẽ không được niêm yết trên sàn chứng khoán nữa. Vì vậy cổ phiếu bị hủy niêm yết không chuyển sàn sẽ rất khó để bán. Tuy nhiên vẫn có một số nhà đầu tư lớn thu mua với mục đích tái cấu trúc hoặc thâu tóm doanh nghiệp. Đây là những cơ hội hiếm hoi để bán được cổ phiếu nhanh nhất.
Ý nghĩa của việc huỷ niêm yết chứng khoán
- Hủy niêm yết giúp thanh lọc, loại bỏ những chứng khoán kém chất lượng, không uy tín, nguy cơ làm nhiễu loạn thị trường. Qua đó tạo ra một thị trường chứng khoán sạch, phát triển bền vững, tạo được sự tin tưởng nơi nhà đầu tư.
- Hủy niêm yết nâng cao tính minh bạch của thị trường, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Các nhà đầu tư sẽ dựa trên thông tin doanh nghiệp cung cấp để đánh giá tiềm năng, cơ hội đầu tư một cách tương đối chính xác. Do vậy việc rà soát loại bỏ doanh nghiệp với mã chứng khoán không đạt đủ điều kiện sẽ giúp thị trường an toàn, công bằng hơn.
- Hủy niêm yết chứng khoán bắt buộc với những điều kiện được quy định rõ ràng, giúp doanh nghiệp hoạt động minh bạch, có trách nhiệm với cộng đồng.
Nhà đầu tư nên làm gì khi cổ phiếu bị hủy niêm yết?
Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra, bạn cần bình tĩnh xử lý để hạn chế tối đa tổn thất. Lúc này bạn cần bán ra nhanh chóng để thu hồi vốn. Tuyệt đối tránh trường hợp “gồng lỗ” đến mức không thể cứu vãn nữa.
- Bán cổ phiếu trước khi công bố hủy niêm yết: Bạn cần theo dõi mọi diễn biến của doanh nghiệp để sớm có thể nhận ra các dấu hiệu xấu. Đột ngột thay đổi bộ máy lãnh đạo, chậm công bố báo cáo tài chính hay bán tài sản ồ ạt đều là những dấu hiệu cảnh báo. Khi nhận thấy cổ phiếu có khả năng bị hủy niêm yết, bạn cần bán ngay tại thời điểm đó. Vì như đã phân tích ở trên, một khi đã bị loại khỏi sàn chứng khoán, thì khả năng bán sẽ rất khó. Thậm chí có những cổ phiếu trước khi bị hủy niêm yết sẽ tăng giá do những tin đồn về tái cấu trúc hoặc hành vi cố tình thao túng giá để xả hàng. Vì vậy nhà đầu tư cần hết sức tỉnh táo để không giữ số cổ phiếu này.
- Bán cổ phiếu ngay khi chuyển sàn nhỏ hơn: Nếu cổ phiếu bị hủy niêm yết và chuyển xuống sàn nhỏ hơn, nhà đầu tư nên bán ngay để thu hồi vốn. Độ rủi ro của cổ phiếu ở giai đoạn này là rất cao, nên nhà đầu tư không có thời gian để chần chừ. Nhà đầu tư nên liên hệ với công ty chứng khoán để được tư vấn và hỗ trợ giải quyết.
Kết luận
Với những chia sẻ trên, Sharebox hi vọng đã giúp bạn giải đáp được phần nào thắc mắc về cổ phiếu bị hủy niêm yết và cần làm gì khi gặp những trường hợp như thế. Mong rằng những chia sẻ trên sẽ giúp ích cho bạn, áp dụng vào đầu tư hiệu quả.