Lì xì công nghệ có thay thế được lì xì truyền thống?
Không biết phong tục lì xì có từ khi nào, cứ Tết về là chúng ta lại quay quần bên nhau, người lớn lì xì trẻ con, ông bà lì xì con cháu, con lì xì cha mẹ, thậm chí bạn bè lì xì lẫn nhau kèm theo những lời chúc tốt đẹp về sức khỏe, tiền tài và hạnh phúc.
Tết Kỷ Hợi năm nay chứng kiến một trào lưu mới về lì xì online khi mà MoMo, ZaloPay, ViettelPay và cả các ông lớn về ngân hàng như Vietcombank, BIDV cũng nhảy vào thị trường lì xì công nghệ này.
Khoan hãy bàn về lợi nhuận từ những chiêu PR, đầu tư khủng của các ông lớn, chúng ta chỉ bàn trên khía cạnh liệu lì xì công nghệ có thay thế được lì xì truyền thống?
Hiện tại chưa bị thay thế, chỉ tồn tại song song
Lì xì công nghệ vẫn là một cái gì đó xa vời với tầng lớp sống ở nông thôn. Người dân nơi đây họ vẫn không hề biết về sự tồn tại của tiện ích này, thậm chí họ còn chưa có smartphone nữa. Có chăng chỉ là sinh viên, người đi làm ở các thành phố lớn về quê ăn Tết rồi sử dụng mà thôi.
Và không đáng để bị thay thế trong tương lai
Đúng là lì xì công nghệ nhiều tiện ích hơn hẳn so với lì xì truyền thống như không cần phải đổi tiền mới, không cần phải bao lì xì rườm rà, không bị giới hạn về địa lý, có thể lì xì bất kỳ mệnh giá nào kèm theo những hình ảnh bắt mắt và câu chúc mỹ từ.
Nhưng xét về giá trị tinh thần thì rõ ràng lì xì công nghệ không thể sánh bằng. Lì xì truyền thống chúng ta phải gặp nhau, rồi hỏi hang nhau, chúc nhau những câu từ miệng chứ không phải những câu chúc cầu kỳ được soạn sẵn của công nghệ.
Tóm lại, lì xì công nghệ vẫn là một dịch vụ khá tiện ích. Đặc biệt với những ai yêu công nghệ thì đây đúng là một dịch vụ rất được chào đón. Yêu thì yêu là vậy, nhưng chúng ta vẫn nên giữ nét đẹp lì xì truyền thống để tình làng nghĩa xóm được thắm thiết hơn. Lì xì công nghệ nên tồn tại song song với lì xì truyền thống, đó là sự kết hợp hoàn hảo giữa hiện đại và cổ xưa.