Chứng khoán

Các thuật ngữ cần nắm trong chứng khoán

Tìm hiểu và nắm vững các thuật ngữ trong chứng khoán sẽ giúp các bạn hiểu hơn về diễn biến thị trường, biến động cổ phiếu. Từ đó giúp các bạn mới tham gia vững tin hơn.

Thuật ngữ chứng khoán là gì

Trong bất cứ ngành nghề gì cũng đều có những thuật ngữ riêng biệt, chứng khoán lại là một ngành nghề tương đối mới mẻ đối với nhiều người. Vậy thuật ngữ chứng khoán là các từ ngữ chuyên ngành đa dạng thể hiện nhiều khía cạnh của thị trường như đầu tư kỹ thuật, phương thức giao dịch, các chỉ số dự báo, các thông tin doanh nghiệp,…

Khi tham gia thị trường chứng khoán, việc nắm rõ các thuật ngữ chứng khoán sẽ giúp các nhà đầu tư có thể hiểu rõ thị trường, đồng thời cập nhật thông tin nhanh nhất, đọc hiểu được các chỉ số và có thể phân tích thị trường để đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn kịp thời.Vì thế khi tham gia vào chứng khoán, các nhà đầu tư cần nắm rõ các thuật ngữ trong ngàn, từ cơ bản đến chuyên sâu để có thể vận dụng tốt nhất khi tham gia đầu tư. 

Hãy cùng Sharebox tìm hiểu tất cả các thuật ngữ chứng khoán qua bài viết sau nhé.

Các thuật ngữ về Chứng khoán và Thị trường chứng khoán

Chứng khoán (Securities) là các loại giấy tờ có giá trị như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, … được các tổ chức phát hành theo quy định của pháp luật. Chứng khoán có thể theo hình thức chứng chỉ, dữ liệu điện tử hay bút toán ghi sổ.

Thị trường chứng khoán là nơi mà các loại chứng khoán được mua và bán. Hiện tại có hai thị trường chứng khoán là Thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Thông qua các sàn giao dịch chứng khoán thì các nhà đầu tư có thể mua và bán quyền sở hữu chứng khoán.

  • Thị trường sơ cấp: đây là nơi đầu tiên chứng khoán được phát hành bởi chính phủ, doanh nghiệp, quỹ đầu tư và bán cho người mua. Tại thị trường này chứng khoán sẽ được gọi là chứng khoán mới phát hành và được bán với giá phát hành.
  • Thị trường thứ cấp: là thị trường mua bán trao đổi chứng khoán sau khi đã phát hành qua thị trường sơ cấp. Mục đích của thị trường này là để kiếm lợi nhuận, luân chuyển các dòng tài sản xã hội hoặc các dòng vốn đầu tư. Chứng khoán thường được mua bán tại 3 sàn chứng khoán lớn là HSX, HNX, UPCOM.

Thuật ngữ về sản phẩm Chứng khoán – Cổ phiếu

  • Cổ phiếu: là giấy chứng nhận số tiền đầu tư.
  • Cổ phần: là vốn điều lệ của công ty được chia thành các phần bằng nhau.
  • Cổ đông: là một trong các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu của công ty phát hành.
  • Cổ phiếu phổ thông (hay còn gọi là cổ phiếu thường): là loại cổ phiếu phổ biến nhất của các công ty cổ phần, các cổ đông sở hữu cổ phiếu này được quyền tự do mua bán chuyển nhượng, được dự họp đại hội cổ đông và biểu quyết các vấn đề quan trọng trong công ty. Ngoài ra, cổ đông còn được hưởng lợi nhuận theo kết quả kinh doanh của công ty, lợi nhuận này phụ thuộc vào số lượng cổ phiếu mà cổ đông nắm giữ.
  • Cổ phiếu ưu đãi: là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu một phần vốn góp trong công ty. Nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu này sẽ có một số ưu đãi hơn so với cổ đông thường. Tuy nhiên họ có thể bị giới hạn các quyền cổ đông khác so với việc sở hữu cổ phần thường, điều này nhằm đảm bảo nguyên tắc bình đẳng cho các nhóm cổ đông của công ty, khi có thêm một quyền ưu đãi thì đi kèm đó sẽ là một quyền hạn chế.
  • Cổ phiếu ưu đãi cổ tức: là cổ phiếu mà chủ sở hữu sẽ được ưu đãi trả cổ tức cao hơn so với cổ phiếu phổ thông. Tuy nhiên, người sở hữu sẽ bị hạn chế quyền dự họp, biểu quyết hay đề cử người vào Ban kiểm soát và HĐQT.
  • Cổ phiếu ưu đãi hoàn lại: là cổ phiếu mà nhà đầu tư khi sở hữu cổ phiếu này sẽ có đặc quyền được hoàn lại vốn. Việc hoàn lại vốn sẽ tùy thuộc vào giao ước với công ty hay khi cổ đông yêu cầu. Ngoài ra, các cổ đông này có quyền phát biểu, quyền biểu quyết và tham gia cuộc họp Đại hội đồng cổ đông.
  • Cổ phiếu ưu đãi biểu quyết: là cổ phiếu mà các cổ đông sở hữu sẽ có các quyền tương tự như cổ đông phổ thông, đó là quyền biểu quyết, dự họp cũng như đề cử người vào Ban kiểm soát hay HĐQT. Đặc biệt, cổ đông sở hữu cổ phiếu sẽ có tỷ lệ biểu quyết cao hơn so với cổ phiếu thường. Nhưng sẽ bị hạn chế quyền chuyển nhượng cổ phiếu.

Thuật ngữ về sản phẩm Chứng khoán – Trái phiếu

  • Trái phiếu: là giấy xác nhận nợ của công ty phát hành đối với người mua trái phiếu.
  • Trái phiếu doanh nghiệp: là chứng khoán được phát hành bởi công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần được thành lập theo quy định của pháp luật. Trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích tăng vốn cho doanh nghiệp.
  • Trái phiếu chính phủ: là trái phiếu do chính phủ phát hành để huy động vốn thông qua các nhà đầu tư là người dân và các tổ chức. Nguồn vốn đầu tư này sẽ được dùng cho ngân sách nhà nước hoặc các dự án. Trên thị trường hiện tại thì trái phiếu chính phủ được xem là uy tín và ít rủi ro nhất.
  • Trái phiếu từ các tổ chức tài chính, ngân hàng: là trái phiếu do các tổ chức tài chính, ngân hàng phát hành để huy động vốn.
  • Trái phiếu có lãi suất biến đổi (lãi suất thả nổi): là loại trái phiếu được trả lợi tức khác nhau trong mỗi thời kỳ, mức lãi suất này biến đổi theo lãi suất biến đổi của trái phiếu cộng thêm một biên độ giao động nhất định.
  • Trái phiếu có lãi suất bằng không: là loại trái phiếu mà người mua không nhận được lãi trong thời gian sở hữu, mà nhận lãi tại thời điểm mua. Người mua được mua với giá thấp hơn so với mệnh giá và được hoàn trả số tiền bằng mệnh giá khi trái phiếu đến ngày đáo hạn.
  • Trái phiếu có lãi suất cố định: là trái phiếu mà nhà đầu tư được trả lợi tức dựa theo tỷ lệ phần trăm cố định tính theo mệnh giá.
  • Trái phiếu có bảo đảm: là trái phiếu được đảm bảo thanh toán toàn bộ hay một phần gốc lãi bằng tài sản bảo đảm.
  • Trái phiếu không bảo đảm: trái phiếu này chỉ được bảo đảm bằng uy tín của nhà phát hành chứ không được bảo đảm bằng bằng bất kỳ tài sản nào.
  • Trái phiếu ghi danh: là loại trái phiếu có ghi tên, thông tin người sở hữu trên trái phiếu và trong sổ sách của nhà phát hành. Người sở hữu trái phiếu vô danh sẽ được trả lợi tức theo kỳ hạn ghi trên trái phiếu hoặc cam kết của nhà phát hành.
  • Trái phiếu vô danh: là loại trái phiếu không ghi tên, thông tin người sở hữu cả trên trái phiếu và sổ sách của nhà phát hành. Nhà đầu tư sẽ được trả lợi tức mỗi nửa năm từ các đơn vị phụ trách trả lãi như ngân hàng, bưu điện, …
  • Trái phiếu có quyền mua cổ phiếu: là trái phiếu cho phép người sở hữu được mua một một lượng cổ phiếu nhất định của công ty, với mức giá và thời gian nhất định.
  • Trái phiếu mua lại: là loại trái phiếu được mua lại một hoặc toàn bộ bởi nhà phát hành trước khi đến thời gian đáo hạn.
  • Trái phiếu chuyển đổi: là loại trái phiếu của công ty cổ phần phát hành mà người sở hữu có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của công ty đó. Việc này sẽ được căn cứ, xác định cụ thể về tỷ lệ và thời gian khi mua trái phiếu.
  • Trái tức: là lợi nhuận thu được từ trái phiếu.
  • Trái chủ: là nhà đầu tư, người sở hữu trái phiếu.

Thuật ngữ về sản phẩm Chứng khoán khác

  • Chứng chỉ quỹ: là loại chứng khoán để xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư với phần vốn góp của quỹ đại chúng. Quỹ đầu tư chứng khoán được hình thành nhằm phân tán rủi ro và đa dạng hóa đầu tư.
  • Chứng khoán phái sinh: là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai. 

Hiện nay, trên thị trường Việt Nam đã có chứng khoán phái sinh như hợp đồng tương lai chỉ số VN30, và hợp đồng mà giá của nó phụ thuộc vào giá chỉ số VN 30.

  • Chứng khoán vốn: được biết đến như là cổ phiếu phổ thông. Đây là loại chứng khoán được công ty cổ phần phát hành và thể hiện quyền sở hữu qua một phần vốn, tài sản của công ty đối với cổ đông của công ty.
  • Chứng khoán nợ: là loại chứng khoán xác nhận mối quan hệ giữa người cho vay và người đi vay. Khi bạn sở hữu chứng khoán nợ hay trái phiếu công ty, nghĩa là bạn là chủ nợ và công ty phải có trách nhiệm trả nợ, cụ thể là gốc và lãi suất. Chứng khoán nợ thể hiện số tiền cho vay, lãi suất, kỳ hạn, thời gian đáo hạn,…
  • Chứng khoán lãi: là chứng khoán bao gồm cả đặc tính của chứng khoán vốn và chứng khoán nợ. Tuy nhiên sẽ thiên về chứng khoán nợ (trái phiếu) nhiều hơn.

Xem thêm Chứng khoán là gì? Những điều cần biết về chứng khoán

Thuật ngữ về các chỉ số tài chính

  • Index: là chỉ số thị trường chứng khoán, thể hiện mức vốn hóa và giá của thị trường cổ phiếu tại một thời điểm.
  • VN-Index: chỉ số thể hiện các xu hướng biến động giá của tất cả cổ phiếu được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSX).
  • HNX-Index: chỉ số thể hiện các xu hướng biến động giá của tất cả cổ phiếu được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
  • HNX30-Index: là chỉ số đánh giá 30 công ty có vốn hóa thị trường cao nhất trên HNX.
  • VNMID-Index (hay VNMIDCAP): là chỉ số đánh giá mức độ tăng trưởng của 70 công ty có quy mô vốn hóa vừa trong VNALLshare.
  • VN100-Index: là chỉ số vốn hóa kết hợp giữa các cổ phiếu thành phần của VN30 và VN MIDCAP.
  • VN30-Index: là chỉ số vốn hóa của các doanh nghiệp được dùng để đo lường mức độ tăng trưởng của 30 công ty có vốn hóa lớn nhất trên thị trường, chiếm tỷ trọng hơn 80% so với tổng giá trị vốn hóa của VN-Index.
  • VNALLshare-Index: là chỉ số vốn hóa của tất cả cổ phiếu được niêm yết trên sàn HSX.

Thuật ngữ bảng giá chứng khoán

  • Mệnh giá: là số tiền ghi trên cổ phiếu hay trái phiếu.
  • Thị giá: là giá giao dịch chứng khoán được mua, bán trên thị trường tại một thời điểm cụ thể.
  • Giá khớp lệnh: là giá giao dịch thành công khi thực hiện giao dịch mua, bán trên thị trường.
  • Giá mở cửa: là giá đóng cửa của phiên giao dịch hôm trước.
  • Giá đóng cửa: là giá vào thời điểm đóng cửa hoặc kết thúc phiên giao dịch.
  • Giá cao nhất: là mức giá cao nhất trong một phiên hoặc một ngày giao dịch.
  • Giá thấp nhất: là mức giá thấp nhất trong một phiên hoặc một ngày giao dịch.
  • Biên độ giao động giá: là biên độ giao dịch so với giá tham chiếu, căn cứ để hình thành nên giá trần và giá sàn, là mức giá cao nhất và thấp nhất.
  • Giá trần: là mức giá cao nhất của một cổ phiếu.
  • Giá sàn: là mức giá thấp nhất của một cổ phiếu.
  • Đơn vị giao dịch: là số lượng giao dịch của cổ phiếu.

Thuật ngữ về tài khoản

  • Thanh khoản: là khối lượng cổ phiếu được giao dịch mua bán trong ngày.
  • Khối lượng giao dịch trong ngày: là tổng khối lượng chứng khoán được giao dịch thành công trong ngày.
  • Sàn giao dịch (Sở giao dịch): là trung gian xử lý các giao dịch, là đơn vị trung gian thực hiện các hoạt động niêm yết, phát hành, thu hồi, thanh toán các lợi nhuận, chi phí phát sinh thông qua hệ thống của sở giao dịch.
  • Tài khoản chứng khoán: là tài khoản của nhà đầu tư dùng để giao dịch chứng khoán và lưu ký.
  • Giao dịch ký quỹ (Margin trading): là giao dịch mua chứng khoán có sử dụng tiền vay của công ty chứng khoán, khi đó chứng khoán từ giao dịch được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay.
  • Call margin (lệnh dừng ký quỹ): là trường hợp công ty chứng khoán yêu cầu khách hàng nộp tiền hoặc tăng số lượng chứng khoán thế chấp nhằm đảm bảo mức số dư tối thiểu trong tài khoản. Mức số dư tối thiểu này do công ty chứng khoán quy định, tuân thủ theo pháp luật.

Thuật ngữ về công ty phát hành trong chứng khoán

  • Công ty niêm yết: là công ty có cổ phiếu được niêm yết tại Trung tâm Lưu Ký Chứng Khoán và Sở Giao Dịch Chứng Khoán.
  • IPO: thuật ngữ chỉ việc công ty cổ phần lần đầu phát hành cổ phiếu và niêm yết lên sàn chứng khoán.
  • Giá chào mua: là mức giá nhà đầu tư sẵn sàng mua.
  • Giá chào bán: là mức giá nhà đầu tư sẵn sàng bán.
  • Danh mục chứng khoán: là tổng hợp các mã chứng khoán nhà đầu tư đang có hoặc đang quan tâm.
  • Lợi nhuận hay tỷ suất lợi nhuận: là tỷ lệ lợi nhuận của nhà đầu tư khi tham gia đầu tư.
  • Tự doanh chứng khoán: là hoạt động của một công ty chứng khoán tự mua bán giao dịch chứng khoán nhằm hưởng lợi từ việc tăng giảm giá trên thị trường hoặc hưởng lợi nhuận định kỳ.
  • Báo cáo thường niên: là báo cáo tài chính chi tiết được HĐQT công ty công bố hàng năm cho các cổ đông, thể hiện hoạt động của công ty cũng như kế hoạch phát triển.
  • Bảng cân đối kế toán: là bảng báo cáo tài chính thể hiện tất cả các khoản nợ, nguồn vốn và tài sản của công ty.
  • Báo cáo tài chính: mô tả tình trạng lãi lỗ của công ty trong 1 năm.

Thuật ngữ về các lệnh trong giao dịch

  • Lệnh giới hạn L0: là lệnh mua bán với mức giá chỉ định hoặc mức giá tốt hơn.Nghĩa là với lệnh L0 nhà đầu tư có thể mua được với mức giá thấp hơn và bán được với mức giá cao hơn.
  • Lệnh ATO: là lệnh đặt mua hoặc bán ở mức giá mở cửa khi thị trường bắt đầu giao dịch, được ưu tiên trước lệnh giới hạn khi so sánh khớp lệnh.
  • Lệnh ATC: là lệnh đặt mua hoặc bán ở mức giá đóng cửa khi thị trường bắt đầu đóng phiên, được ưu tiên trước lệnh giới hạn khi so sánh khớp lệnh.
  • Lệnh khớp lệnh sau giờ (PLO): là lệnh giao dịch mua hay bán chứng khoán ở mức giá đóng cửa sau khi kết thúc phiên khớp lệnh định kỳ.
  • Lệnh MP: là lệnh giao dịch mua bán theo giá tốt nhất của thị trường tại thời điểm hiện tại, nghĩa là mua tại giá bán thấp nhất và bán tại giá bán cao nhất hiện có trên thị trường.
  • Lệnh điều kiện: là lệnh kèm theo điều kiện và chỉ thực hiện được khi đáp ứng điều kiện đó.
  • Break: phá vỡ một vùng kháng cự hay một vùng hỗ trợ.
  • Position: thể hiện tình trạng vị thế danh mục của nhà đầu tư, có thể mua hoặc bán. Đối với phái sinh, còn có nghĩa là “long” và “short”. Trong đó “long” thể hiện vị thế và “short” thể hiện vị thế bán.
  • Long Position: vị thế của bên tham gia thị trường với kỳ vọng giá của tài sản đó sẽ tăng lên.
  • Short Position: vị thế của bên tham gia thị trường với kỳ vọng giá của tài sản đó sẽ giảm xuống.
  • Lọc cổ phiếu: giúp nhà đầu tư có thể tìm thấy các cổ phiếu theo yêu cầu như tỷ suất sinh lời, vốn hóa, giá thị trường,…
  • Bán khống: là hình thức bán tài sản chứng khoán mà người bán không sở hữu nó nhằm kiếm lời, thông qua việc vay mượn chứng khoán đó.
  • Bán tháo: hành động bán mà không quan tâm đến giá cả hiện tại nhằm mục đích thu hồi vốn nhanh nhất có thể.
  • Bảo lãnh: là dịch vị được cung cấp bởi các tổ chức tài chính lớn: ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán,… để đảm bảo khả năng thanh toán của các công ty phát hành.
  • Bong bóng: là hiện tượng khi giá thị trường đột ngột tăng nhanh và không giải thích được, sau đó sẽ nổ và tuột dốc không phanh.

Thuật ngữ trong phân tích cơ bản

  • Giá trị tài sản trong sổ sách: là khái niệm trong kế toán dùng để xác định giá trị sổ sách của một cổ phiếu. 
  • Tỷ suất thu nhập trên cổ phần: là phần thu nhập sau thuế của doanh nghiệp phân bổ cho từng cổ phiếu thường đang được lưu hành. Đây là tỷ số để đo lường khả năng sinh lời.
  • Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E): là chỉ số thể hiện mức giá mà nhà đầu tư sẵn sàng mua để đổi lấy lợi nhuận từ cổ phiếu đó.
  • Hệ số giá thị trường trên giá ghi sổ (P/B): là chỉ số thể hiện mức giá mà nhà đầu tư sẵn sàng mua để sở hữu cổ phiếu đó theo giá trị sổ sách của doanh nghiệp.
  • Tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA): là hệ số cho biết một đồng tài sản có thể sinh ra bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế. Qua đó thể hiện được khả năng sinh lời của doanh nghiệp.
  • Tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE): là tỷ số cho biết một đồng vốn có thể sinh ra bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế. Qua đó thể hiện được khả năng sinh lời trên vốn bỏ ra của doanh nghiệp. Đây là thước đo đánh giá hiệu quả sử dụng tài sản để sinh ra lợi nhuận của công ty. Và dùng để so sánh giữa các công ty trong cùng ngành nghề.
  • Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS): là tỷ số thể hiện một đồng doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh sẽ tạo ra được bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế. Tỷ suất này càng cao thì hiệu quả kinh doanh của công ty càng tốt.

Thuật ngữ trong phân tích kỹ thuật

  • Xu hướng giá: dựa vào xu hướng giá trong quá khứ các nhà phân tích sẽ đưa ra xu hướng giá trong tương lai, các nhà đầu tư sẽ dựa vào xu hướng giá này để đưa ra quyết định.
  • Xu hướng Uptrend: là xu hướng tăng của thị trường chung, tăng của chứng khoán, thường xảy ra trong một khoảng thời gian nhất định khi giá cổ phiếu vận động theo chiều hướng tăng.
  • Xu hướng downtrend: là xu hướng giảm của thị trường chung, giảm của chứng khoán, thường xảy ra trong một khoảng thời gian nhất định khi giá cổ phiếu vận động theo chiều hướng giảm.
  • Xu hướng Sideway: là xu hướng giá thị trường hay một cổ phiếu vận động đi ngang. Xảy ra khi lượng cung và cầu bằng gần nhau. Thông thường xu hướng này diễn ra trước khi giá trên thị trường chứng khoán theo xu hướng tăng (Uptrend) hoặc giảm (Downtrend).
  • Vượt đỉnh: cổ phiếu tăng giá và vượt qua đỉnh gần nhất hay đỉnh cũ.
  • Thị trường giá lên: thể hiện thị trường chứng khoán hoạt động tốt, có xu hướng tăng, giá các cổ phiếu tăng nhanh hơn mức bình thường trong một khoản thời gian với số lượng giao dịch lớn.
  • Thị trường giá xuống: thể hiện thị trường chứng khoán diễn biến xấu, giá giảm và diễn ra trong một thời gian.
  • Điều chỉnh kỹ thuật: xảy ra khi giá các cổ phiếu hay các chỉ số trên thị trường có xu hướng ngược lại với xu hướng hiện tại sau đó lại tiếp tục. Sự thay đổi xu hướng này ít nhất 10% so với xu hướng hiện tại, trước khi tiếp tục xu hướng tăng hay giảm dài hạn trước đó.
  • Bẫy giảm giá: là tín hiệu giả thể hiện trên xu hướng giá trên thị trường đảo chiều, giá trên thị trường giảm sau một thời gian tăng giá nhằm thu hút những nhà đầu tư mới.
  • Bẫy tăng giá: ngược lại với bẫy giảm giá, cho thấy xu hướng giá thị trường tăng sau một đợt giá giảm kéo dài.
  • Phòng ngừa rủi ro: là những biện pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu rủi ro danh mục.
  • Bán hoảng loạn: khi thị trường sụt giảm nhiều, tâm lý hoảng loạn theo số đông, các nhà đầu tư sẽ báo với mọi giá nhằm thu hồi một phần vốn.
  • Ngày T (T+): chữ T viết tắt của “Transaction” (giao dịch), theo quy định của Luật chứng khoán hiện hành, sau khi mua hoặc bán thì 03 ngày sau cổ phiếu/tiền mới về tài khoản nhà đầu tư. 
  • Fomo (Fear of missing out): là hội chứng sợ hãi sẽ bỏ lỡ một điều gì đó. Trong thị trường chứng khoán, Fomo chỉ việc những nhà đầu tư mới mua theo đám đông mà không tham khảo bất cứ thông tin nào.
  • Đầu tư lướt sóng: đây là hình thức đầu tư ngắn hạn. Các nhà đầu tư sẽ tận dụng các giai đoạn biến động của thị trường để thu lợi nhuận. Lợi nhuận của việc lướt sóng sẽ rất cao và diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, việc lướt sóng cũng mang nhiều rủi ro ví thị trường biến động liên tục, khả năng chưa kịp thu lời đã nhận về lỗ.
  • Đầu tư giá trị: là chiến lược các nhà đầu tư dựa vào giá trị nội tại của doanh nghiệp, tìm kiếm mua những cổ phiếu có giá trị thấp hơn giá trị thực của doanh nghiệp. Đây là chiến lược đầu tư dài hạn, ít rủi ro hơn đầu tư lướt sóng.

Kết luận

Sau khi đã tìm hiểu, tổng hợp, đúc kết các thuật ngữ trong chứng khoán, thì các nhà đầu tư nên tiếp tục củng cố bổ sung kiến thức cũng như tích lũy kinh nghiệm để có bàn đạp vững chắc nhất khi tham gia vào thị trường.

Thanh Trí
Mình là Thanh Trí, hiện đang làm việc trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán tại Việt Nam. Rất mong là với những kiến thức mà mình chia sẻ có thể giúp được phần nào cho những nhà đầu tư mới.

    Có thể bạn sẽ thích

    Đăng ký
    Mô tả
    guest

    0 Bình luận
    Inline Feedbacks
    Xem tất cả bình luận