Vay tiêu dùng

Cùng tìm hiểu “Vì sao các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi”

Sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành lần thứ 02 vào ngày 25/10/2022, thì lãi suất ngân hàng trong vòng 01 tháng qua đã liên tục tăng mạnh. Cùng thời điểm này năm trước, số ngân hàng huy động lãi suất tiết kiệm cao nhất trên 7%/năm chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì hiện tại đã có ngân hàng huy động trên 10%/năm và một nửa số ngân hàng trong hệ thống niêm yết lãi suất cao nhất trên 8%/năm.

Lãi suất đồng loạt tăng nóng

Trên website các ngân hàng thương mại hiện tại biểu lãi suất huy động vốn cao nhất là 10,5%/năm. Đây là lãi suất áp dụng của sản phẩm tiền gửi An Khang, kỳ hạn 12 tháng, mức gửi từ 500 tỷ đồng trở lên của ngân hàng TMCP Quốc dân NCB.

Tiếp sau đó là sản phẩm Tiết kiệm gửi góp Prime Savings của ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng VPbank, với lãi suất 10,02%/năm dành cho tháng đầu tiên khi khách hàng gửi kỳ hạn 36 tháng.

Tuy vừa vướng vào vụ lùm xùm trái phiếu, nhưng ngân hàng TMCP Sài Gòn SCB vẫn nằm trong top đầu các ngân hàng có mức lãi suất huy động hấp dẫn nhất hệ thống. Với lãi suất 9,3%/năm dành cho khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến, kỳ hạn từ 15 tháng trở lên.

Ngoài 03 ngân hàng trên thì còn có tới 15 trong tổng số hơn 30 ngân hàng đang niêm yết lãi suất cao nhất từ 8%/năm trở lên, thậm chí đã tiến sát mốc 9%/năm.

Trong đó có thể kể đến ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank) huy động cao nhất là 8,9%/năm. Cùng niêm yết ở mức 8,8%/năm là các ngân hàng TMCP Công Thương (Saigonbank), ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB).

Ở mức lãi suất 8,75%/năm là ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) và 8,7%/năm từ ngân hàng TMCP Quân Đội MB.

Ở nhóm Big 4, lãi suất cao nhất dù đã tăng mạnh 1%/năm so với cách đây 01 tháng, nhưng vẫn có sự cách biệt đáng kể so với các ngân hàng thương mại khác.

Ngày 27/10/2022 ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) và ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã đồng loạt tăng lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng lên từ mức 6,4%/năm lên thành 7,4/năm.

Chỉ sau 1 ngày, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng có động thái tương tự. Tính đến thời điểm này, 7,4%/năm cũng là mức lãi suất huy động cao nhất tại “Big 4“.

Tính trung bình trong vòng 1 tháng qua, lãi suất huy động nhiều kỳ hạn tại các ngân hàng đã tăng từ 1-2%/năm so với trước đó, dần tiến về mức lãi suất huy động hồi trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng tại nhiều ngân hàng đã tăng lên mức kịch trần 6%/năm như tại Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank)…

Lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 đến 9 tháng cao nhất đang được niêm yết tại NCB, VPBank, Techcombank, VietCapitalBank… dao động từ 8-8,75%/năm.

Lãi suất huy động cao nhất cho kỳ hạn 12 tháng hiện nay thuộc về SCB với 8,8%/năm; NCB 8,75%/năm; VietCapitalBank 8,6%/năm; VPBank, Techcombank, NamABank cùng mức 8,5%/năm; Saigonbank 8,3%/năm…

Tăng lãi suất nhằm đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng

Nhiều quốc gia trên thế giới đã tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Trong khi đó, tại Việt Nam, lãi suất huy động có xu hướng tăng, còn lãi suất cho vay vẫn được duy trì ở mức ổn định.

Trước tình hình lạm phát gia tăng trên toàn cầu, các chuyên gia kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt để ứng phó với áp lực lãi suất trong thời gian tới.

Các chuyên gia phân tích rằng, việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng một phần là để hút nguồn tiền gửi nhằm đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng cao cho phục hồi kinh tế. Tính đến hết tháng 6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng 9,35%, trong khi đó lượng tiền gửi trong nửa đầu năm chỉ tăng hơn 4%.

Việc tăng lãi suất huy động cũng được cho rằng phù hợp với xu hướng toàn cầu. Bởi hiện tại, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, có đến 75 ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất để ứng phó với gia tăng lạm phát chóng mặt. Dù vậy, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện để tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Lời kết

Hi vọng với những điều chỉnh từ Ngân hàng nhà nước sẽ có tác động mạnh đến nền kinh tế, tiếp tục thực hiện các biện pháp góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỉ giá và thị trường ngoại hối, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng; tiếp tục điều hành linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ… 

Duy Ngoc
Không ngừng học hỏi, mong muốn được giao lưu cùng mọi người.

Có thể bạn sẽ thích

Đăng ký
Mô tả
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận